Đánh giá về Nguyễn Bỉnh Khiêm qua các thời đại Nguyễn_Bỉnh_Khiêm

Bốn thế kỷ đã qua từ ngày Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời, nhưng suốt bốn thế kỷ chưa lúc nào ngớt âm vang về con người kỳ diệu ấy. Mọi tầng lớp nhân dân đều đã liên tục bình luận về ông, trong đó có khen có chê, có sai có đúng, có những điều đem gán cho ông mà ông không có, có những điều ông vốn có đã chẳng được nêu lên.
— Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Khiêu (1986)[53]

Là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử chính trị và văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16, cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trải qua gần trọn một thế kỷ nhiều biến chuyển với quy mô tác động chưa từng có trước đó trong lịch sử dân tộc, mà ông vừa là nhân chứng vừa là nhân tố quan trọng tạo nên chúng.

Trạng nguyên Giáp Hải, một công thần bậc nhất triều Mạc, đã viết thơ ca ngợi tài lý học của Nguyễn Bỉnh Khiêm và tên tuổi của ông trong giới Nho gia đương thời cũng như công lao của ông đối với triều Mạc, trong đó có những câu sau:[32][33]

Bản phiên âm Hán-Việt:

Chu Liêm Khê hậu hữu Y Xuyên,Lý học vu kim hữu chính truyền.Danh quán Nho gia lôi phấn địa,Lực phù nhật cốc trụ kình thiên.Tứ triều huân nghiệp nhân trung kiệt,Cửu lão quang nghi thế thượng tiên.Ký thủ huyền xa vinh lý hậu,Thanh phong thác hứng nhập ngâm biên.

Bản dịch nghĩa:

Sau Liêm Khê lại có Y Xuyên,Lý học ngày nay, ông đích thực là bậc chính truyền.Tiếng tăm ông lừng lẫy làng nho như sấm rền mặt đất,Năng lực của ông phò vua như cột chống đỡ trời.Huân nghiệp trải bốn triều, ông là tài năng kiệt xuất giữa cõi người,Dung nghi rực rỡ của tuổi chín mươi, ông khác gì vị tiên nơi trần thế.Xe đã treo về vinh xóm cũ,Thảnh thơi gió mát hứng thơ nhàn.

Bản dịch thơ:

Sau Liêm Khê[74] lại có Y Xuyên,[75]Lý học ngày nay bậc chính truyền.Long bảng đứng đầu tên sấm dậy,Chống trời cột vững sức cường kiên.Bốn triều nghiệp lớn tay anh kiệt,Chín lão dung nghi, dáng khách tiên.Xe đã treo về, vinh xóm cũ,Thảnh thơi gió mát, hứng thơ nhàn.

Bài văn tế "Môn sinh tế Tuyết Giang phu tử văn" đọc trước linh cữu Nguyễn Bỉnh Khiêm mùa đông năm 1585 do Tiến sĩ Đinh Thì Trung (Đinh Thời Trung) thay mặt các đồng môn soạn ra để tế viếng người thầy của mình. Trong bài văn tế, học trò Đinh Thời Trung đã coi Tuyết Giang phu tử là bậc "muôn chương đọc khắp, học tài chẳng kém Âu, Tô" (Âu Dương TuTô Đông Pha đời Tống), "văn lực không nhường Lý, Đỗ" (Lý BạchĐỗ Phủ đời Đường), "một kinh Thái ất thuộc lòng, đốt lửa soi gan Dương Tử" (hiểu rõ lẽ huyền vi của bộ Thái ất như Dương Hùng đời Hán), "suy trước biết sau, học lối Nghiêu Phu môn hộ" (suy trước biết sau chẳng khác nào Thiệu Ung đời Tống) và "một mình Lý học tinh thông, hai nước anh hùng không đối thủ".

Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân (1702/1703–?), trong bài Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký soạn năm 1743 có những dòng ca ngợi:...Bởi tiên sinh chẳng những chỉ tinh thâm một môn Lý học, biết rõ dĩ vãng cũng như tương lai, mà sự thực thì trăm đời sau cũng chưa dễ ai hơn được vậy. Ôi! Ở trong thiên hạ, các bậc quân vương, các vị hiền giả, hỏi có thiếu chi, nhưng chỉ có lúc sống thì được phú quý vinh hoa, còn sau khi mất thì những cái đó lại cũng mai một đi với thời gian, hỏi còn ai nhắc nữa? Còn như tiên sinh, nói về thế hệ đã truyền đến 7, 8 đời, gần thì sĩ phu dân thứ ngưỡng vọng như bóng sao Đẩu trên trời, dẫu cách ngàn năm cũng còn tưởng như một buổi sớm, xa thì sứ giả Thanh triều tên Chu Xán, nói đến nhân vật Lĩnh Nam cũng đã có câu “An Nam Lý học hữu Trình Tuyền” tức là công nhận môn Lý học của nước An Nam chỉ có Trình Tuyền là người số một, rồi chép vào sách truyền lại bên Tàu. Như thế, đủ thấy Tiên sinh quả là một người rất mực của nước ta về thời trước vậy.

Danh sĩ Nguyễn Thiếp (1723–1804), người được Quang Trung Nguyễn Huệ tôn kính như bậc thầy, từ xứ Nghệ ra Bắc, về trấn Hải Dương mong tìm lại những dấu tích gắn với cuộc đời của Bạch Vân cư sĩ, đã ngậm ngùi viết trong bài thơ Quá Trình Tuyền mục tự (Qua chùa cũ của Trình Tuyền)[76] khi viếng cảnh xưa mà không còn am Bạch Vân, quán Trung Tân bên bến Tuyết Giang, trong đó có những dòng thơ ca ngợi Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài áo cơ thâm tạo hóa (mưu cơ thâm kín can dự cả vào công việc của tạo hóa) hay phiến ngữ toàn tam tính (một lời ngắn gọn mà bảo toàn cho cả ba họ).[77]

Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã viết: "Lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan đều là tinh anh của non sông đúc lại".

Phan Huy Chú, danh sĩ thời nhà Nguyễn, trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí đã xem Nguyễn Bỉnh Khiêm là "một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở".

Cũng như thời Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài và thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, người thời nhà Nguyễn (1802–1945) nói chung cũng không có mấy thiện cảm về những gì liên quan đến nhà Mạc, triều đại đối địch hàng đầu với các dòng họ thế lực Lê-Trịnh-Nguyễn vốn cùng phát tích ở xứ Thanh. Thêm một lý do lịch sử nữa là tổ phụ của các vua chúa nhà Nguyễn là Nguyễn Kim (thân phụ của Nguyễn Hoàng) đã bị đầu độc chết bởi tay một hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất. Cho nên, dù không đến mức thâm thù gọi tên "Ngụy Mạc" như triều Lê-Trịnh nhưng triều Nguyễn cũng không mấy tôn trọng khi gọi "Nhuận Mạc". Tuy vậy, vua Tự Đức cũng không hề giấu sự ngưỡng mộ dành cho tài năng và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm thông qua bài thơ thất ngôn tứ tuyệt sau:[78]

Bản phiên âm Hán-Việt:

Tằng văn lý học hữu Trình TuyềnThế vận long ô mặc hội tiên.Hồ nãi xảo đồ thần Nhuận MạcHy Di, Khang Tiết cự như nhiên.

Bản tạm dịch:

Từng nghe lý học có Trình Tuyền[79]Vận nước long ô nghiệm biết liền.Gặp biến tùng quyền phò họ MạcSánh cùng Khang Tiết[80] cũng như nhiên.

Nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười về thăm khu di tích Trạng Trình đã ghi những hàng chữ lưu niệm: "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ, nhà văn, một thầy giáo, một nhà triết học, một nhà dự báo, một danh nhân văn hóa như cây đại thụ bóng trùm cả một thế kỷ XVI. Tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết, nhân cách cao cả cùng với tri thức uyên bác và tài năng sáng tạo đã tạo nên sự nghiệp, uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của ông mà đến nay chúng ta rất đỗi tự hào, trân trọng."

Giáo sư Vũ Khiêu có những đánh giá về việc Nguyễn Bỉnh Khiêm đã quyết định đi theo phò tá triều Mạc mà không phải là nhà Lê: "Vì sao nhà trí thức kiệt xuất này, suốt cuộc đời cho đến lúc gần 50 tuổi vẫn nhất định không chịu đi thi, không chịu cộng tác với nhà Lê, không nhận bất cứ công việc gì của nhà Lê để cuối cùng chọn Mạc Đăng Dung như minh chủ của mình? Theo những người xuyên tạc nói thì Nguyễn Bỉnh Khiêm bất đắc dĩ phải theo nhà Mạc mà thôi. Thực ra trước những thành công và tiến bộ nhất định của nhà Mạc Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự vui mừng, tin tưởng ở một xã hội thanh bình và thịnh trị do triều đại mới đem lại: “Mừng thấy thời vần đời mở trị / Thái bình thiên tử, thái bình dân”. Ông quyết định ra phục vụ nhà Mạc, coi đó là sự lựa chọn đúng đắn của bậc trượng phu và người quân tử: “Quân tử mới hay nơi xuất xứ / Trượng phu cũng có chí anh hùng”. Họ còn nói: ông đã nửa chừng bỏ triều Mạc để về quê. Không phải như thế! Ngược lại, ông đã suốt đời đem hết tâm lực để phục vụ triều Mạc trên mọi lĩnh vực văn học, chính trị, quân sự coi như nghĩa vụ lớn lao của mình: “Ba đời chúa được phúc tình cờ / Ơn nặng chưa từng báo tóc tơ”. Cho đến lúc ông 70 tuổi dù được về nghỉ ở quán Trung Tân, ông vẫn bày tỏ thái độ chung thuỷ với các vua Mạc vẫn nhiều lúc về thăm vua, nhiều lúc theo vua ra mặt trận: “Xem lại tuổi đời ngoài bảy chục / Chỉ vì già yếu há quên vua”. Tấm lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm và thái độ của ông do chính ông tự tay viết ra và còn để lại đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc vô căn cứ về ông. Những lời tâm huyết trong thơ của ông khiến người đời sau phải suy nghĩ vì sao ông lại gắn bó với Mạc Đăng Dung và triều Mạc đến thế."

GS Vũ Minh Giang (Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Sự dấn thân muộn màng của một con người tài năng bộc lộ từ khi còn bé chứng tỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm không thuộc người lãnh đạm với thời cuộc, mà trái lại ông là người có lý tưởng cao hơn nhiều so với chí hướng thi đỗ làm quan, vinh thân phì gia thường thấy ở phần lớn nho sỹ. Ông chỉ tham dự vào chính trường khi cảm thấy thời cuộc cần đến mình, khi hoàn cảnh chính trị có thể tạo điều kiện cho ông đem tài trí ra giúp đời, phụng sự đất nước".

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong bài tham luận "Bước đầu suy nghĩ về văn học Mạc" đã đánh giá về Nguyễn Bỉnh Khiêm: "...Ông là một nhà văn hóa, và riêng ở bình diện văn hóa mà nói thì tầm vóc không thua kém Nguyễn Trãi là mấy, phần nào đấy còn khai phá vào một vài lĩnh vực sâu hơn. Bởi ông chuyên về dịch học. Chính ông xây dựng nền tảng của tư tưởng biện chứng trong Kinh Dịch, góp vào lịch sử tư tưởng Việt Nam một số kiến giải mới mẻ. Là một nhà dịch học nên ông nổi tiếng là bậc tiên tri, nhưng ông cũng lại là một nhà thơ lớn. Ông viết đến một nghìn bài thơ chữ Hán. Đây là con số mà từ thời đại Mạc trở về trước hoàn toàn chưa có..."

Giáo sư Nguyễn Tài Thư trong tác phẩm Nghiên cứu Kinh Dịch (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 2002) đã có những đúc kết về di sản Lý học (Dịch học) của Trạng Trình: "Chiêm nghiệm những nguyên lý của Chu Dịch, đưa nó vào xử thế mà ông nổi tiếng là người nhìn xa trông rộng. Những sự kiện Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên đoán nhà Lê trung hưng, chỉ cho nhà Mạc lên Cao Bằng, khuyên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Hóa Châu đã được lịch sử chứng minh là tài tình, thì ở đây không có gì là lời nói gặp may, mà là những dự đoán có cơ sở thực tế vững vàng, đáng được nhân dân tôn ông làm nhà tiên tri. Quả thật, học Dịch và hiểu Dịch như ông xưa nay không phải là nhiều... Ông đã vượt được các nhà Nho khác chính là ở chỗ ông học Dịch nhưng không bị lệ thuộc hoàn toàn vào Dịch".

Nhà nghiên cứu Trần Khuê trong tham luận hội thảo khoa học “Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc” (1991) đã có những đúc kết tinh tế về hành trạng cuộc đời cũng như tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân từ cửa Khổng, ông đi ngang qua sân nhà Lão tử, rồi dừng lại trước cửa Thiền, suy ngẫm về giáo lý và đạo lý, cuối cùng ông đã trở về với đồng ruộng và lũy tre xanh của làng quê Việt Nam, hay nói khác đi, ông đã trở về với dân tộc. Suốt đời ông, ông đã sống như mình cần sống và đã hành động như mình cần hành động.”

Những quan điểm phê bình

Khi so sánh Nguyễn Bỉnh Khiêm với một nhân vật lỗi lạc khác của trấn Hải ĐôngNguyễn Trãi, các nhà nghiên cứu đều không quên so sánh những khác biệt cơ bản về thời đại sống của hai danh nhân này. Xét về nhiều mặt, thời của Nguyễn Bỉnh Khiêm phát triển và phức tạp hơn hẳn thời của Nguyễn Trãi, đặc biệt là các quan hệ xã hội và kinh tế. Thời của Nguyễn Trãi, kẻ sĩ gần như chỉ có một lựa chọn trên con đường kiến lập công danh sự nghiệp là hướng về triều đình cai trị ở Thăng Long. Cùng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam, kẻ sĩ đồng thời có vài con đường lập nghiệp khác nhau như những lựa chọn của Nguyễn Dữ,[81] Dương Văn An,[82] Phùng Khắc Khoan,[83] Lương Hữu Khánh,[84] Đào Duy Từ[85]... Đánh giá về Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng phụ thuộc vào cách nhìn qua những thời đại khác nhau về triều Mạc - triều đại mà ông đã tận trung cho đến cuối đời nhưng là triều đại có nhiều xung đột lịch sử gay gắt với những triều đại quyền lực phát tích từ xứ Thanh như nhà Lê sơ, nhà Lê-Trịnh, và cả nhà Nguyễn sau này. Nhìn nhận về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bên cạnh những dòng ca ngợi thường thấy về nhân cách, ảnh hưởng lịch sử, đóng góp cho văn hóa dân tộc thì người ta cũng không quên phê bình cái nhìn trong thơ văn của ông với chính thời đại ông. Tác giả Trần Khuê (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trong “Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Vương triều Mạc”[86] nhìn nhận:

Ông cũng có những mâu thuẫn nội tâm rất lạ. Chính ông đã thông gia với Phạm Quỳnh, một người xuất thân là lái buôn chè, sau làm đến Tiết chế Đông đạo, đại diện cho tập đoàn doanh thương tại triều Mạc Phúc Nguyên (con trai Phạm Quỳnh là Phạm Dao làm trấn thủ xứ Sơn Nam tức con rể ông, trở thành một lộng thần trong triều đình). Cũng chính ông lại khinh ghét giới thương nhân và miệt thị đồng tiền, tìm cách xa lánh đời sống đô thị. Tất nhiên, không thể đòi hỏi một người xuất thân từ cửa Khổng như ông lại phải chấp nhận mặt tích cực của đồng tiền và giới thương nhân. Ngay những người thông tuệ đến sau ông hàng mấy thế kỷ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương… và ngay cả những tác gia hiện đại mà gần kề chúng ta nhất như Lưu Quang Vũ còn chẳng thấy rõ huống chi ông? Giới trí thức dù xuất thân từ quý tộc hay bình dân mà nằm trong vòng vây của ý thức hệ tiểu nông thì không thể tránh khỏi thái độ thù ghét đồng tiền và sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa. Họ không sao chịu nổi sức san phẳng tàn nhẫn của đồng tiền và sự đảo lộn bảng giá trị xã hội; họ càng không chịu dựng nổi thói nhố nhăng hãnh tiến của giới thương nhân ít học hoặc vô học nhưng lại có quá nhiều tiền bạc, thường biểu lộ thái độ thô bạo đối với những giá trị cổ truyền.

Tác giả Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) trong “Đời và thơ Phùng Khắc Khoan trong bối cảnh văn hóa Đại Việt thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII”[87] cũng có những nhận định khá tương đồng với Trần Khuê:

Có thể thấy, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đi sâu khai thác đề tài đạo lý, răn dạy đạo đức từ mức độ phổ quát đến cụ thể, chẳng hạn ở các bài Cương thường tổng quát, Răn đầy tớ thờ chủ, Khuyên nàng dâu thờ cha mẹ chồng... Tất cả những bài thơ đó nhằm nêu cao yêu cầu “tu thân”, tu rèn đạo đức cá nhân, hướng về bảo toàn khí tiết lối “đồ nho” hơn là vươn tới hành động; bảo vệ các quan hệ đạo đức lễ nghĩa Nho giáo hơn là đi tìm lối thoát mới cho cuộc mưu sinh; bảo vệ các tín điều đạo đức xưa cũ hơn là bắt nhịp với thực tế lối sống mới đang nảy sinh (...) Nguyễn Bỉnh Khiêm buộc phải trả giá cho bản tính thi sĩ và những ước vọng đầy tính ảo tưởng của mình: ý thức bảo vệ chuẩn mực đạo đức truyền thống không đồng hành với thực tiễn đời sống xã hội đang đòi hỏi được đổi thay, phát triển. Ở đây nhiều vấn đề đạo đức có ý nghĩa tiêu biểu cho một thời kỳ mới mà đương thời Nguyễn Trãi trước đây chưa hình thành rõ nét, và chỉ thấy xuất hiện đậm đặc từ thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm; chẳng hạn các vấn đề về nội chiến phong kiến, vai trò đồng tiền, lối sống thị thành... Và một cách không tự giác, trong khi phê phán những yếu tố khác lạ đang nảy sinh trong lòng xã hội như một xu thế tất yếu thì chính ông lại tỏ bày thái độ cản phá bước tiến của lịch sử nói chung. Từ đây có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hiện diện như một cây đại thụ của văn hoá phong kiến, thiên về phê phán để khẳng định chuẩn mực đạo đức cũ, khác xa lối phê phán đồng tiền, phê phán lối sống thị thành và phê phán xã hội kiểu Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương sau này...

Về nhãn quang chính trị của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có nhiều quan điểm đánh giá trái chiều nhau qua các thời đại, có cả ca ngợi và cũng không ít ý kiến mang tính phê bình, ít nhiều trách móc ông. Đặc biệt là câu chuyện vốn đã nổi tiếng trong sử sách về việc ông vốn là một trung thần của nhà Mạc nhưng lại không từ chối bày mưu hiến kế cho các họ Lê-Trịnh-Nguyễn, những thế lực thù địch hàng đầu của họ Mạc. Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Trần Ngọc Vương trong bài viết “Lưỡng đầu chế thời Lê-Trịnh và những hệ quả lịch sử của nó” có những nhận xét mang tính đại diện cho luồng quan điểm phê bình trong đánh giá về Nguyễn Bỉnh Khiêm:[88]

Từng có rất nhiều ý kiến, công trình nghiên cứu, phẩm bình về nhân vật lịch sử này, nhưng thuỷ chung, lời giải đáp rốt ráo về lập trường chính trị - xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn cần được coi là thiếu vắng. Là một trong những vị trạng nguyên nổi danh vào bậc nhất mà nhà Mạc đã lấy đỗ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng xuất chính với nhà Mạc mấy đợt, quan hàm thực từng giữ lên tới Thị lang, chưa nói rằng khi mất lại được chính vua Mạc tế lễ, vinh phong tước Trình Quốc công, quan hàm Tể tướng, khiến dân sở tại (Vĩnh Lại) thờ làm phúc thần. Theo lẽ thường, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm phải “sống làm tôi nhà Mạc, chết làm thần (hay ma) nhà Mạc” mới phải. Vậy nhưng kết hợp tài liệu của cả chính sử lẫn dã sử lại mà soi, Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như lại vừa là “trọng tài giám sát” cho tất cả các trận đấu quyền lực, lại vừa tham dự một cách không hề vô tư vào các diễn biến và có tác động trực tiếp đến (những) kết quả cuối cùng. Với nhà Mạc, thì ngón tay trỏ “Cao Bằng tuy thiểu khả dung sổ thế” đã biến vương triều này thành một “sứ quân” cát cứ, truyền tiếp thêm 7 đời sau. Với họ Nguyễn, thì hầu như ai cũng biết tới lời mách nước lẫy lừng của Trạng Trình “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” đã thực sự là khởi đầu cho một dòng chúa, một triều vua, tuy có đứt gãy bầm dập, nhưng vẫn có thể tính dấu ấn lịch sử của dòng họ quyền lực này từ 1533 đến tận 1945! Với Lê - Trịnh thì khỏi nói, bởi ông chính là người đưa ra lời khuyên chúa Trịnh (Kiểm) hãy đừng “thanh lý” ngôi vua, cứ “thờ Phật mà ăn oản”, cả khi “mùa mất, giống xấu” thì hãy biết “tìm giống cũ mà gieo”. Vậy là đẻ ra cái “lưỡng đầu chế” không tiền khoáng hậu trong lịch sử, tồn tại hai trăm năm có lẻ. Không thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm “vô can” trước cảnh “năm bè bảy cánh” của cục diện chính trị Việt Nam ít nhất hàng thế kỷ tiếp theo đó.

Thậm chí đã có một bài thơ thất ngôn bát cú khuyết danh được lưu truyền tới nay, nói về Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa hàm ý ca ngợi nhưng cũng ngầm ý trách móc ông:[89]

Thần cơ huyền bí rất tinh thôngXứ xứ, ai ai cũng biết ôngMột nước Chu, Trình[90] danh giá trọngHai triều Lê Mạc nợ nần chungBiết rằng song Tấu bay chân ngựaSao chẳng non thương dấu cánh hồngVí dậy suối vàng xin hỏi lạiDong thân còn có đất nào không?

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Bỉnh_Khiêm http://vandanviet.blogspot.com/2015/11/nguyen-duye... http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vh/004-nhan... http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tu_tuong... http://www.nhipcaugiaoly.com/post?id=175 http://tapchivanhoaphatgiao.com/suu-tam/hanh-phuc-... http://vanhaiphong.com/xem/10-tap-van/326-tam-nhin... http://vannghesontay.com/en/news/Nghien-cuu-trao-d... http://vncphathoc.com/bai-nghien-cuu/phat-kinh-tro... http://chimviet.free.fr/lichsu/dokimtruong/dokimtr... http://phusaonline.free.fr/ButViet/ThichPhuocAn/15...